Kho bảo thuế là gì? Tổng hợp thông tin về kho bảo thuế

Trong hoạt động xuất nhập khẩu, kho bảo thuế là một trong những khái niệm khá quen thuộc. Tuy nhiên nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa kho bảo thuế và kho ngoại quan. Vậy kho bảo thuế là gì? Chức năng của kho bảo thuế? Kho bảo thuế và kho ngoại quan có gì khác nhau?

DHD Logistics sẽ cung cấp những thông tin về kho bảo thuế cho khách hàng qua bài viết này.

Kho bảo thuế là gì?

Kho bảo thuế – Tax-suspension Warehouses là được biết đến là kho dùng để chứa nguyên phụ liệu nhập khẩu đã thông quan nhưng chưa đóng thuế, các sản phẩm dùng để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của chủ kho bảo thuế.

Kho bảo thuế được xây dựng bởi các doanh nghiệp chuyên hoạt động sản xuất hàng hóa xuất khẩu hoặc có sản lượng xuất khẩu hàng hóa lớn. Đa phần các kho bảo thuế được thành lập bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc xây dựng kho bảo thuế cần phải có các giấy xin phép và chi phí lớn.

Việc hoạt động của kho bảo thuế luôn được giám sát bởi cơ quan hải quan và phải tuân thủ theo các quy định pháp luật.

Kho bảo thuế là gì
Kho bảo thuế là gì trong xuất nhập khẩu

Các đặc điểm của kho bảo thuế

Kho bảo thuế có những đặc điểm đặc thù riêng, như sau

Lưu trữ hàng hóa nhập khẩu tại kho bảo thuế

Theo quy định, hàng hóa khi được đưa vào kho bảo thuế sẽ được lưu trữ trong vòng 12 tháng. Thời điểm bắt đầu được tính lưu trữ là khi hàng được bắt đầu đưa vào kho.

Nhưng hàng kho bảo thuế cũng có thể lưu trữ hơn thời gian 1 năm vì doanh nghiệp có quyền được gia hạn thêm thời gian để phục vụ cho sản xuất xuất khẩu. Thời gian gia hạn không phụ thuộc vào quy định cụ thể nào và sẽ được xem xét tùy thuộc vào tính phù hợp của quá trình sản xuất.

Hàng hóa tại kho bảo thuế không được buôn bán trên thị trường nội địa, trừ khi có sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền và phải tuân thủ nộp thuế theo quy định.

Các đặc điểm của kho bảo thuế
Các đặc điểm của kho bảo thuế

Những mặt hàng thuộc hàng hóa kho bảo thuế

Phụ thuộc vào các hình thức kinh doanh sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp, vì thế hàng hóa kho bảo thuế rất đa dạng và không có giới hạn về chủng loại và mẫu mã. Hàng hóa kho bảo thuế là những hàng hóa được phép lưu hành, không bị cấm kinh doanh. Hàng hóa là những nguyên liệu, vật tư được doanh nghiệp nhập khẩu và chưa nộp thuế với mục đích phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Thủ tục hải quan của hàng hóa kho bảo thuế

Đối với việc nhập khẩu hàng hóa kho bảo thuế cũng như những mặt hàng thông thường khác, tuy nhiên mặt hàng này sẽ không phải đóng thuế.

Các bước thực hiện thủ tục hải quan như sau:

  • Chuẩn bị hồ sơ chứng từ hàng hóa nhập khẩu đầy đủ.
  • Khai báo tờ khai hải quan về nhập khẩu hàng hóa.
  • Lấy phân luồng tờ khai và thanh lý tờ khai tương ứng.
  • Thông quan hàng hóa và vận chuyển hàng hóa về kho để sử dụng (hàng hóa về kho bảo thuế sẽ không cần phải đóng thuế như hàng nhập khẩu bình thường).

Thủ tục thành lập kho bảo thuế

Tại Nghị định số 54/2995/NĐ-CP, Điều 27 quy định về thành lập kho bảo thuế, doanh nghiệp được phép thành lập kho bảo thuế phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

  • Các công ty được thành lập theo quy định của pháp luật và có nhu cầu sản xuất hàng hóa xuất khẩu lớn.
  • Doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn về hệ thống sổ sách chứng từ để theo dõi quá trình xuất nhập kho theo quy định.
  • Doanh nghiệp không thuộc diện cưỡng chế theo quy định pháp luật.
  • Vị trí kho bảo thuế phải nằm trong khu vực nhà máy, cơ quan hải quan có thể dễ dàng theo dõi, quản lý và kiểm tra khi cần thiết.
  • Khi kho bảo thuế được thành lập và đi vào hoạt động thì doanh nghiệp phải phối hợp và hỗ trợ cơ quan hải quan trong việc giám sát, kiểm tra kho bảo thuế khi có yêu cầu. Việc thành lập kho bảo thuế, gia hạn thời gian hoạt động, yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động của kho bảo thuế đều được Tổng cục trưởng Hải quan quyết định.

Căn cứ theo Nghị định số 68/2016/NĐ-CP tại Điều 18 về việc đề nghị và công nhận kho bảo thuế được thực hiện theo quy trình như sau:

  • Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận kho bảo thuế cho Tổng cục Hải quan. Bộ hồ sơ đề nghị công nhận sẽ bao gồm Văn bản đề nghị công nhận kho bảo thuế và Sơ đồ thiết kế khu vực kho bảo thuế (bản sao).
  • Tổng cục Hải quan sẽ kiểm tra hồ sơ và thực tế kho trong 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ của doanh nghiệp.
  • Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan sẽ đưa ra quyết định công nhận kho bảo thuế hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ hay phản hồi nếu doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện quy định trong 5 ngày làm việc sau khi kiểm tra.

Chú ý: Khi nhận được phản hồi từ hải quan, doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ chứng từ theo yêu cầu trong vòng 5 ngày làm việc. Nếu sau 30 ngày làm việc, doanh nghiệp không phản hồi văn bản thì hồ sơ sẽ bị hủy.

Sự khác nhau giữa kho bảo thuế và kho ngoại quan

Kho bảo thuế và kho ngoại quan là hai khái niệm phổ biến nhưng dễ bị nhầm lẫn với nhau. Kho bảo thuế và kho ngoại quan được phân biệt như sau:

Về định nghĩa

Kho bảo thuế: là kho dùng để chứa nguyên liệu, linh kiện đã nhập khẩu nhưng chưa đóng thuế để phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Kho ngoại quan: là kho được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam, với mục đích để tạm lưu trữ, bảo quản hàng hóa và thực hiện một số dịch vụ đối với hàng hóa từ nước ngoài đưa vào hoặc đối với những hàng hóa được đưa từ trong nước theo hợp đồng thuê kho ngoại quan.

Về thủ tục hải quan

Kho bảo thuế: quy trình làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa kho bảo thuế giống với thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, hàng hóa kho bảo thuế không cần phải đóng thuế.

Kho ngoại quan: khi hàng hóa được nhập hoặc xuất tại kho hải quan thì chủ hàng hoặc người được ủy quyền phải làm thủ tục hải quan thông thường. Thông thường thủ tục nhập tương ứng với hàng nhập vào kho, xuất tương ứng với hàng xuất ra khỏi kho. Đối với hàng tạm nhập tái xuất thì buộc phải tái xuất và không được phép nhập trở lại. Việc nhập, xuất hàng hóa vào kho phải chịu sự giám sát của hải quan.

Các dịch vụ được thực hiện

Kho bảo thuế: hàng hóa kho bảo thuế được dùng để phục vụ hoạt động sản xuất xuất khẩu. Hàng hóa khi nhập kho cần được thống kê đầy đủ theo quy định về Luật quản lý và thống kê nhập khẩu.

Kho ngoại quan: các hoạt động tại kho ngoại quan gồm có: phân chia, tách hàng, đóng gói hàng hóa; ghép hàng, phân loại chất lượng, loại hàng; bảo dưỡng, bảo trì hàng hóa; chuyển quyền sở hữu hàng hóa,… kho dùng để chứa xăng, dầu, hóa chất đáp ứng được các yêu cầu của các ban chuyên ngành có liên quan được phép pha chế, chuyển đổi chủng loại hàng hóa.

Ưu điểm – nhược điểm của kho bảo thuế

Kho bảo thuế có những ưu – nhược điểm sau đây:

Ưu điểm

  • Doanh nghiệp có thể nhập khẩu được số lượng hàng lớn phù hợp với hoạt động sản xuất.
  • Kho bảo thuế là chính kho của doanh nghiệp nên doanh nghiệp có thể quản lý chính xác số lượng hàng hóa nhập xuất chặt chẽ.
  • Hàng hóa kho bảo thuế có thể dự trữ được lượng lớn nguyên vật liệu để đảm bảo dây chuyền sản xuất được hoạt động liên tục.

Nhược điểm

  • Phải cập nhật báo cáo tình hình sử dụng kho ở mỗi quý với cơ quan hải quan.
  • Phải báo cáo cho cơ quan hải quan theo từng năm về việc dự kiến số lượng hàng hóa nhập khẩu vào để sử dụng trong năm tới và báo cáo tình hình sử dụng kho trong năm vừa qua theo mẫu.
  • Phải trang bị đầy đủ các cơ sở vật chất, cơ sở thiết bị được kết nối với cơ quan Hải quan để phục vụ cho việc giám sát hoạt động tại kho bảo thuế.
  • Tình trạng hàng hóa nhập kho bảo thuế bị dư thừa và quá thời gian lưu trữ.

Trên đây là tổng quan những thông tin về kho bảo thuế mà DHD Logistics đã cung cấp cho khách hàng, hy vọng đã đem lại cho khách hàng những thông tin phù hợp. Liên hệ ngay với DHD Logistics chúng tôi để được tư vấn kịp thời những thông tin liên quan đến kho bảo thuế và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của khách hàng.