EVFTA là gì? Những thông tin liên quan đến Hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA được ký kết giữa Việt Nam và các nước Liên minh Châu Âu (EU). Trong hiệp định có những vấn đề liên quan đến sự hợp tác phát triển bền vững giữa hai bên. Vậy Hiệp định EVFTA là gì? Và có những tác động gì đến nền kinh tế Việt Nam?

Hãy cùng DHD Logistics tìm hiểu về Hiệp định EVFTA và những thông tin liên quan nhé!

EVFTA là gì? Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ khi nào?

Hiệp định EVFTA hay còn gọi là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu, có tên tiếng Anh là European – Vietnam Free Trade Agreement.

Trong hiệp định không chỉ loại bỏ hơn 99% thuế quan đối với hàng hóa mà còn mở cửa thị trường cho các dịch vụ của Việt Nam cho các công ty tại EU và tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam.

EVFTA được xem là một chặng đường dài với nhiều sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của Việt Nam. Nhằm mục tiêu nâng cao mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam – EU. Bên cạnh đó, EVFTA được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn và có vai trò lớn của Quốc hội Việt Nam trong việc ban hành các văn bản pháp luật để thuận lợi tiến hành các hoạt động ngoại giao và kịp thời xử lý những vấn đề EU quan tâm.

Hiệp định EVFTA
Hiệp định EVFTA tác động tích cực đến hoạt động thương mại Việt Nam

Hiệp định EVFTA được ban hành và qua nhiều quá trình đàm phán:

  • Ngày 01/12/2015, Hiệp định EVFTA đã kết thúc đàm phán và 01/02/2016 văn bản hiệp định được công bố.
  • 26/06/2018, Hiệp định EVFTA được thống nhất. Theo đó, hiệp định được tách ra làm hai Hiệp định đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý.
  • 30/06/2019, hiệp định EVFTA được ký và được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào 12/02/2020, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào 08/06/2020 và Hội đồng châu Âu thông qua vào ngày 30/03/2020.

Qua nhiều bước để hoàn tất thủ tục phê chuẩn, vào ngày 01/8/2020 Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.

Hiệp định EVFTA gồm những nước nào?

Hiệp định EVFTA giữa nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và 27 nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU).

Các nước thuộc Liên minh Châu Âu gồm: Cộng hoà Pháp, Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hòa I-ta-li-a, Vương quốc Bỉ, Cộng hòa Hà Lan, Đại Công quốc Lúc-xăm-bua, Cộng hòa Ai-len, Vương quốc Đan Mạch, Cộng hoà Hy Lạp, Vương quốc Tây Ban Nha (không bao gồm vùng lãnh thổ Xớt-ta và Mê-li-la),Cộng hoà Bồ Đào Nha, Cộng hoà Áo, Vương quốc Thuỵ Điển, Cộng hòa Phần Lan, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Hung-ga-ri, Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Xlô-va-ki-a, Cộng hòa Xlô-ven-ni-a, Cộng hòa Lít-va, Cộng hòa Lát-vi-a, Cộng hòa E-xtô-ni-a, Cộng hòa Man-ta, Cộng hòa Síp, Cộng hòa Bun-ga-ri, Cộng hòa Ru-ma-ni, Cộng hòa Crô-a-ti-a.

Nội dung chính của Hiệp định EVFTA

Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA gồm 17 Chương, quy định các thỏa thuận giữa nước Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Trong đó có các nội dung cơ bản sau:

  • Các bên sẽ từng bước tiến tới tự do hóa thương mại hàng hóa và cải thiện mở rộng thị trường, đưa ra các biện pháp chống bán phá giá, lạm dụng đối kháng để cản trở thương mại.
  • Đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm tuân thủ hoàn toàn theo các yêu cầu tương ứng của WTO và dựa trên hệ thống công bằng và minh bạch.
  • Nhận thức tầm quan trọng về vấn đề hải quan và tạo thuận lợi trong môi trường thương mại toàn cầu phát triển hiện nay.
  • Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nhằm đảm bảo luật pháp và các thủ tục hải quan tương ứng đáp ứng đầy đủ các mục tiêu thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại sao cho hoạt động kiểm soát của hải quan hiệu quả.
  • Nỗ lực toàn cầu trong việc giảm thải nhà kính cùng với mục tiêu thúc đẩy, phát triển và tăng cường sản xuất nguồn năng lượng từ các nguồn tái tạo và bền vững. Các bên sẽ hướng tới cắt giảm hay xóa bỏ rào cản phi  thuế quan và thúc đẩy hợp tác, có thể tính đến các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.
  • Công nhận được tầm quan trọng của việc cạnh tranh không làm sai lệch trong quan hệ thương mại và đầu tư. Thừa nhận các hành vi phản cạnh tranh có khả năng làm sai lệch sự vận hành đúng của thị trường và làm suy giảm lợi ích của tự do hóa thương mại.
  • Các bên đồng ý thỏa thuận có thể cung cấp các khoản trợ cấp khi cần thiết nhằm đạt mục tiêu chính sách công cho bên còn lại. Tuy nhiên các bên thừa nhận là trợ cấp có thể làm sai lệch sự vận hành của thị trường và làm suy giảm các lợi ích của tự do hóa thương mại. Do theo nguyên tắc, không nên trợ cấp cho doanh nghiệp cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ trong các trường hợp khoản trợ cấp có tác động tiêu cực, hoặc khả năng tác động đến cạnh tranh và thương mại.
  • Thúc đẩy phát triển bền vững, ghi nhận thông qua việc thúc đẩy sự đóng góp của các lĩnh vực liên quan đến thương mại và đầu tư về các vấn đề lao động và môi trường.
  • Thừa nhận các tác động của môi trường và quy định các thủ tục đối với thương mại và đầu tư, nỗ lực xây dựng một môi trường  pháp luật có thể dự đoán và thủ tục hiệu quả cho các chủ thể kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
  • Xây dựng một cơ chế hiệu quả và thuận tiện cho việc ngăn ngừa, giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan.
  • Khẳng định tầm quan trọng của hợp tác và nâng cao năng lực cho việc thực thi hiệu quả Hiệp định này, nhằm qua đó hỗ trợ việc tiếp tục mở rộng và tạo cơ hội mới về thương mại và đầu tư giữa các bên với nhau.

Tác động của Hiệp định EVFTA ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam

Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU thể hiện được quyết tâm trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa 2 bên phát triển mạnh mẽ hơn. Với chủ trương, chính sách và quá trình hội nhập kinh tế Việt Nam phát triển theo chiều sâu.

Hiệp định EVFTA không chỉ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam mà còn tác động đến nhiều ngành nghề khác nhau có liên quan đến sự phát triển kinh tế. Cụ thể như sau:

Tác động đến tăng trưởng kinh tế

Tham gia Hiệp định EVFTA, dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức khá, đóng góp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Theo nghiên cứu của Bộ kế hoạch và Đầu tư về tác động của EVFTA đối với tăng trưởng nền kinh tế: nếu cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố chiến tranh thương mại, Anh rời khỏi EU, sự thay đổi chính sách của các nước,.. làm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam cải thiện trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần tăng GDP ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu; từ 4,57 đến 5,30% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và từ 7,07 đến 7,72% cho giai đoạn 5 năm sau đó.

Tác động đến thương mại

Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA có tác động mạnh mẽ đến kim ngạch xuất nhập khẩu. Dự kiến là xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37%  vào năm 2030. Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trên toàn thế giới, dự kiến kim ngạch sẽ tăng trung bình từ 5,21-8,17% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện; từ 11,12-15,27% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và từ 17,98-21,95% cho giai đoạn 5 năm sau đó.

Về xuất khẩu một số ngành hàng sang thị trường EU được dự báo tăng mạnh như: Nông sản (tăng thêm 65% vào năm 2025); đường (8%); thịt lợn (4%); lâm sản (3%); thịt gia súc gia cầm (4%); đồ uống và thuốc lá (5%); nhóm ngành sản xuất: dệt (67%), may mặc (81%), da giày (99%); Nhóm ngành dịch vụ tăng: vận tải thủy (100%), vận tải hàng không (141%), tài chính và bảo hiểm (21%), các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác (80%)…

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu từ EU vào Việt Nam cũng tăng mạnh, dự kiến từ 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Xét tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, dự kiến kim ngạch sẽ tăng trung bình từ 4,36-7,27% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện; từ 10,63-15,4% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 16,41-21,66% cho giai đoạn 5 năm sau đó.

Nhóm hàng được dự kiến tăng tỷ lệ nhập khẩu từ EU nhiều nhất là phương tiện; thiết bị vận tải chiếm khoản 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm; nhóm hàng máy móc thiết bị (10%), dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử (6-7%), nông, lâm, thủy sản (5%).

Nhìn chung, EVFTA góp phần đa dạng hóa thị trường Việt Nam, giúp Việt Nam không bị lệ thuộc quá vào 1 thị trường cố định nào, giúp đảm bảo an ninh kinh tế Việt Nam.

Tác động đến Ngân sách Nhà nước (NSNN)

Cắt giảm thuế quan theo Hiệp định EVFTA có tác động 2 chiều đến nguồn thu NSNN, cụ thể như sau:

  • Giảm thu NSNN do giảm thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu
  • Tăng thu NSNN do có thu thêm từ thu nội địa dưới tác động tích cực đến thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
  • Dự kiến tổng mức thu NSNN từ khi giảm thuế xuất nhập khẩu theo Hiệp định EVFTA là 2,573.3 tỷ VNĐ.
  • Mặt khác, NSNN tăng lên do thu nội địa tác động tăng trưởng của EVFTA là 7,000 tỷ VNĐ trong giai đoạn từ 2020-2030. Con số sẽ tăng dần theo mức độ tác động của Hiệp định đến độ tăng trưởng.
  • Có thể nhìn thấy được lợi ích của Hiệp định EVFTA đối với NSNN được phát huy tốt hơn trong thời kì trung hạn và dài hạn.

Tác động đến đầu tư trực tiếp ở nước ngoài.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi Hiệp định EVFTA thực thi thì Việt Nam kỳ vọng có nhiều thay đổi mới và cải thiện được môi trường đầu tư do thực hiện Hiệp định sẽ tạo được nhiều sự hấp dẫn lớn đối với nhiều nhà đầu tư. Các cam kết rộng và sâu về đầu tư, giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư của EU kinh doanh tại Việt Nam.

Hay nói cách khác, các cam kết về thuận lợi hóa đầu tư cùng với mức độ tự do hóa các ngành dịch vụ của Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ EU tăng lên, đặc biệt là kinh doanh, môi trường, bưu chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển,… điều này cũng thúc đẩy được dòng vốn đầu từ FDI từ các nước EU vào Việt Nam trong thời gian tới.

EVFTA kỳ vọng Việt Nam nâng cao được chất lượng đầu tư từ các đối tác có nguồn gốc là các nước phát triển mà Việt Nam tăng cường mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ. Chính điều này đã tạo động lực cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Cũng từ đó, cơ cấu lĩnh vực đầu tư có thể thay đổi khi Việt Nam thu hút được các đối tác đầu tư mới và thu hút mở rộng các khoản đầu tư. Dòng vốn FDI vào những đầu tư còn dư địa lớn tại Việt Nam và EU cũng có thế mạnh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Tác động việc thay đổi pháp luật, thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh

Tham gia Hiệp định EVFTA là cơ hội cho Việt Nam tiếp tục cải thiện được thể chế – pháp luật theo hướng tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dàng dự đoán từ đó thúc đẩy được cả đầu tư trong nước và quốc tế cũng như các hoạt động kinh doanh khác, bao gồm các giao dịch xuyên quốc gia, các loại hình dịch vụ cung cấp qua biên giới.

Một số điều chỉnh sửa đổi quy định về pháp luật để phù hợp Hiệp định EVFTA trong một số lĩnh vực như sở hữu trí tuệ góp phần giúp các doanh nghiệp được hưởng sự bảo hộ cao hơn đối với các thành quả đầu tư cho các hoạt động sáng tạo. Đây cũng chính là động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động sáng tạo nhằm đổi mới và tạo được môi trường tốt để thu hút chuyển giao công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm Việt Nam.

Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia Hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam và Liên minh EU trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ của hai nước càng sâu rộng và bền vững. Tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán FTA của Việt Nam với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu kỷ nguyên hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Tham gia Hiệp định EVFTA đã đem lại cho Việt Nam những cơ hội và thách thức, cụ thể như sau:

Cơ hội

  • Thúc đẩy được sự tăng trưởng kinh tế, thu hút nhiều nguồn đầu tư từ các đối tác nước ngoài hơn.
  • Đảm bảo an ninh kinh tế Việt Nam khi luôn tuân thủ theo các quy tắc của Hiệp định.
  • Tạo được việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng của an sinh xã hội.
  • Củng cố được vị thể của doanh nghiệp của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thách thức

  • Các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa ngày càng nghiêm ngặt hơn, để đảm bảo được chất lượng và xuất xứ của hàng hóa.
  • Các yêu cầu về sản phẩm được yêu cầu khắt khe từ chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và những yêu cầu về nhãn mác.
  • Chất lượng sản phẩm và chuỗi cung ứng sản phẩm cũng được nâng cao, mở rộng
  • Có nhiều quy định và thể chế pháp luật được yêu cầu phải tuân theo.

Trên đây là những thông tin về Hiệp định EVFTA, hy vọng đã cung cấp cho khách hàng những thông tin cần thiết. Nếu có bất cứ thắc mắc về các vấn đề liên quan đến Hiệp định thì hãy liên hệ trực tiếp với DHD Logistics chúng tôi.

 

CÔNG TY CỔ PHẦN QUỐC TẾ DHD

Fanpage: DHD Logistics

Hotline: 0973996659

Email: cskh.dhdlogistics@gmail.com

Website: https://dhdlogistics.com/

VP Hà Nội: Số 28 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội

VP HCM: 791/24 Trần Xuân Soạn, Tân Hưng, Quận 7, Hồ Chí Minh.