Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, xuất khẩu đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu một cách đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa. Cùng DHD Logistics tìm hiểu xuất khẩu là gì? Các hình thức xuất khẩu hàng hóa phổ biến.
Xuất khẩu là gì?
Xuất khẩu hay xuất cảng (tiếng Anh: export) là hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ từ một quốc gia này sang quốc gia khác. Đây là một phần quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
Theo Luật Thương mại 2005, Xuất khẩu được định nghĩa là:
“Việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”
Theo Khoản 5 Điều 2 Thông tư 54/2018/TT-BGTVT thì Hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa có nơi gửi hàng (gốc) ở Việt Nam và có nơi nhận hàng (đích) ở nước ngoài.
Nói một cách dễ hiểu hơn, xuất khẩu là khi một doanh nghiệp hoặc cá nhân ở Việt Nam bán sản phẩm hoặc dịch vụ của mình cho khách hàng ở nước ngoài. Ví dụ:
- Một công ty may mặc xuất khẩu áo quần sang Hoa Kỳ.
- Một công ty phần mềm xuất khẩu ứng dụng di động sang châu Âu.
- Một nông dân xuất khẩu trái cây sang Nhật Bản.
Phân tích tầm quan trọng của xuất khẩu
Xuất khẩu đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Hoạt động xuất khẩu diễn ra ở nhiều lĩnh vực, có thể tóm tắt vai trò của xuất khẩu như:
Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Xuất khẩu hàng hóa giúp gia tăng nguồn thu ngoại hối cho chính doanh nghiệp. Thúc đẩy hoạt động sản xuất, mở rộng quy mô doanh nghiệp từ đó tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
Hoạt động xuất khẩu còn giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro, giảm phụ thuộc vào thị trường nội địa. Khi tham gia thị trường quốc tế doanh nghiệp học hỏi được nhiều kinh nghiệm quản lý, sản xuất, kinh doanh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Từ đó doanh nghiệp buộc phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đổi mới công nghệ để cạnh tranh.
Nâng cao vị thế thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường quốc tế khi hàng hóa dịch vụ được xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Bạn có thể thấy vị thế xuất khẩu trái cây như sầu riêng, vải, cà phê, gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo (Chinhphu.vn) – Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông sản tháng 5/2024 đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Gạo, rau quả, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ… giữ đà tăng trưởng ổn định, giúp kim ngạch toàn ngành đạt hơn 24 tỷ USD.
Mang đến nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước
Xuất khẩu giúp tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng dự trữ ngoại tệ cho đất nước. Xuất khẩu giúp tăng GDP, tăng dự trữ ngoại hối, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Đẩy mạnh hoạt động sản xuất tạo thêm việc làm, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
Xuất khẩu giúp khẳng định vị thế của quốc gia trên thị trường quốc tế, tăng cường giao lưu hợp tác kinh tế với các quốc gia khác.
Lợi ích đối với nền kinh tế toàn cầu
Xuất khẩu giúp các quốc gia trao đổi hàng hóa dịch vụ với nhau, thúc đẩy tự do hóa thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế. Đây cũng là cơ hội cho các quốc gia hợp tác kinh tế, chia sẻ nguồn lực cùng nhau phát triển.
Các hình thức xuất khẩu phổ biến
Dưới đây là một số hình thức xuất khẩu chủ yếu hiện nay. Với mỗi hình thức, doanh nghiệp cần xác định mã loại hình xuất khẩu phù hợp khi làm thủ tục hải quan.
Xuất khẩu trực tiếp
Xuất khẩu trực tiếp là hình thức xuất khẩu phổ biến, hai bên mua bán hàng sẽ trực tiếp ký kết hợp đồng ngoại thương. Doanh nghiệp tự thực hiện tất cả các khâu trong quá trình xuất khẩu, từ tìm kiếm khách hàng, đàm phán hợp đồng, sản xuất hàng hóa, đóng gói, vận chuyển, cho đến làm thủ tục hải quan và thanh toán.
Nhà bán hàng có thể là công ty sản xuất trực tiếp hoặc công ty thương mại nhập hàng trong nước và ký kết hợp đồng ngoại thương với đơn vị nước ngoài.
Như vậy, hình thức xuất khẩu trực tiếp phù hợp với mọi loại hình doanh nghiệp, các đơn vị chủ động hoạt động kinh doanh. Có thể tối ưu hóa lợi nhuận và kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa. Tăng cường uy tín và thương hiệu trên thị trường quốc tế.
DHD Logistics hỗ trợ nhiều doanh nghiệp về làm thủ tục hải quan cho loại hình xuất khẩu này. Nhà xuất khẩu sẽ trực tiếp đàm phán và bán hàng, đứng tên trên hợp đồng, trên tờ khai hải quan,…
Ví dụ về xuất khẩu trực tiếp: Công ty cổ phần dược mỹ phẩm “A” ký hợp đồng xuất khẩu mỹ phẩm với khách hàng Đài Loan. Đây là hoạt động xuất khẩu trực tiếp giữa Công ty “A” với thương nhân Đài Loan.
Xuất khẩu gián tiếp (ủy thác)
Xuất khẩu ủy thác hay còn gọi là xuất khẩu gián tiếp hoặc ủy thác xuất khẩu. Đây là hình thức doanh nghiệp ủy thác cho một công ty xuất khẩu thực hiện xuất khẩu. Với hình thức này, công ty nhận dịch vụ ủy thác sẽ đứng tên trên hợp đồng ngoại thương.
Hiện tại có nhiều công ty Forwarder cung cấp dịch vụ xuất khẩu ủy thác trong đó có DHD Logistics. Để thực hiện hình thức này, doanh nghiệp nhận ủy thác cần ký kết hợp đồng ủy thác xuất khẩu với công ty xuất khẩu.
Xuất khẩu ủy thác phù hợp với các công ty mới, quy mô nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Ví dụ như sau:
Công ty “B” muốn xuất khẩu mỹ phẩm sang Mỹ, không muốn ký hợp đồng trực tiếp có thể ủy thác xuất khẩu. Và Công ty “B” ký kết hợp đồng ủy thác cho công ty DHD Logistics (chuyên dịch vụ ủy thác) để thực hiện các thủ tục xuất hàng.
Gia công hàng xuất khẩu
Gia công xuất khẩu là hình thức mà doanh nghiệp trong nước nhận tư liệu sản xuất (máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu) từ công ty nước ngoài, tiến hành gia công hàng hóa theo mẫu mã, thiết kế do doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu. Số lượng hàng được xuất khẩu ra nước ngoài sẽ căn cứ chỉ định của đơn vị đặt hàng.
Hình thức gia công hàng xuất khẩu này rất phổ biến ở Việt Nam, nơi có nguồn lao động trẻ dồi dào giá rẻ. Tuy nhiên doanh nghiệp gia công xuất khẩu cũng tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho công nhân. Một số lĩnh vực gia công hàng xuất khẩu như dệt may, thời trang, điện tử,…
Ví dụ về xuất khẩu hàng gia công: Công ty “M” ký hợp đồng gia công cho Công ty ABC tại Hàn Quốc. Theo đó, công ty ABC Hàn Quốc sẽ chuyển hầu hết máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu sang Việt Nam để công ty “M” sản xuất theo yêu cầu mà công ty ABC cung cấp.
Xuất khẩu tại chỗ
Xuất khẩu tại chỗ là hình thức xuất khẩu mà hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam và được bán cho thương nhân nước ngoài nhưng được chỉ định giao hàng tại Việt Nam. Tức là hàng hóa là bán cho công ty nước ngoài, nhưng vẫn nằm trong lãnh thổ Việt Nam.
Lợi ích của xuất khẩu tại chỗ là không phải làm các thủ tục hải quan, mua bảo hiểm, thuê hãng vận tải,… nên doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn.
Ví dụ: Công ty sản xuất mỹ phẩm “A” bán hàng cho công ty ABC của Mỹ, và được chỉ định giao hàng tại KCN Đồng Nai.
Tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất
Tạm nhập tái xuất là hình thức nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam để gia công, chế biến, sửa chữa hoặc lắp ráp, sau đó xuất khẩu sang nước ngoài.
Tạm xuất tái nhập là Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam để gia công, chế biến, sửa chữa, bảo quản, đóng gói, kiểm nghiệm, thử nghiệm, triển lãm, trưng bày, quảng cáo sau 1 thời gian rồi lại được nhập về Việt Nam.
Ví dụ tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất:
- Tạm xuất tái nhập: Doanh nghiệp xuất khẩu máy móc sang Hàn Quốc để gia công, sau đó nhập khẩu máy móc đã gia công về Việt Nam.
- Tạm nhập tái xuất: Doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện điện tử từ Trung Quốc để lắp ráp, sau đó xuất khẩu sản phẩm điện tử hoàn chỉnh sang Mỹ.
Buôn bán đối lưu
Buôn bán đối lưu (hay mậu dịch đối lưu, thương mại đối lưu) là phương thức giao dịch trao đổi hàng hóa, trong đó người bán đồng thời là người mua và ngược lại. Lượng hàng xuất đi có giá trị tương xứng với lượng hàng nhập về. Phương thức này còn gọi là xuất nhập khẩu liên kết, hay hàng đổi hàng.
Xuất khẩu theo nghị định thư
Xuất khẩu theo nghị định thư là hình thức xuất khẩu được thực hiện theo thỏa thuận giữa hai chính phủ thông qua việc ký kết nghị định thư về xuất khẩu hàng hóa. Nghị định thư quy định cụ thể về các mặt hàng được phép xuất khẩu, số lượng, giá cả, điều kiện thanh toán, thời gian giao hàng và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động xuất khẩu.
Doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện về năng lực tài chính, sản phẩm chất lượng,.. theo quy định.
Tìm hiểu quy trình xuất khẩu hàng hóa
Quy trình xuất khẩu bao gồm nhiều bước, cụ thể như sau:
Bước 1. Xác định mục tiêu kinh doanh
Doanh nghiệp cần đăng ký thành lập công ty có đầy đủ giấy tờ pháp lý để được phép xuất khẩu hàng hóa. Nghiên cứu thị trường tìm hiểu nhu cầu thị trường mục tiêu. Tìm hiểu các quy định và tiêu chuẩn nhập khẩu từng quốc gia, đối thủ cạnh tranh.
Bước 2. Tìm kiếm khách hàng
Việc tìm kiếm đối tác xuất khẩu là một bước quan trọng trong việc mở rộng thị trường và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp cần xác định thị trường mục tiêu và tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, các quy định và rào cản thương mại.
Dưới đây là một số cách hiệu quả để bạn có thể thực hiện:
- Tham gia hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế: Đây là nơi giúp bạn giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trực tiếp đến khách hàng tiềm năng, đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi và thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh.
- Tìm kiếm khách hàng qua các kênh thương mại điện tử B2B: Alibaba, Amazon, Kompass.com, Indiamart.com, TradeKey.com,…
- Thông qua mối quan hệ, công cụ tìm kiếm Google Bing để tìm kiếm thông tin về các nhà nhập khẩu, nhà phân phối tiềm năng.
- Sử dụng dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu: Công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu có thể giúp bạn tìm kiếm khách hàng, đàm phán hợp đồng, vận chuyển hàng hóa và các thủ tục xuất nhập khẩu khác.
Bước 3. Đàm phán và ký hợp đồng
Đàm phán và ký kết hợp đồng là bước quan trọng nhất trong hoạt động xuất khẩu. Bởi ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình xuất khẩu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thực hiện đàm phán các điều khoản về hàng hóa, thanh toán, điều kiện giao hàng, trách nhiệm mỗi bên,…
Bước 4. Xin giấy phép xuất khẩu
Theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 27/5/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết về hoạt động xuất khẩu.
- Đối với hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép, thương nhân xuất khẩu phải có giấy phép của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan.
- Đối với hàng hóa xuất khẩu theo điều kiện, thương nhân xuất khẩu phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật.
- Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra theo quy định tại Điều 65 Luật Quản lý ngoại thương, thương nhân xuất khẩu hàng hóa phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
- Đối với hàng hóa không thuộc trường hợp quy định trên thì thương nhân chỉ phải giải quyết thủ tục xuất khẩu tại cơ quan hải quan.
Bước 5. Sản xuất hoặc đặt mua hàng hóa
Doanh nghiệp cần sản xuất hoặc đặt mua hàng hóa đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Lựa chọn nhà máy sản xuất uy tín và có năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu. Quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Bước 6. Hoàn thiện thủ tục xuất khẩu
Doanh nghiệp cần chuẩn bị các chứng từ cần thiết cho hoạt động xuất khẩu như:
- Hợp đồng mua bán
- Hóa đơn thương mại
- Tờ khai xuất khẩu
- Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)
- Giấy phép kiểm dịch động thực vật
- Giấy phép kiểm dịch an toàn thực phẩm
- Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm
- Phiếu đóng hàng
- Chứng từ khác nếu có.
Doanh nghiệp cần khai báo hải quan điện tử và làm thủ tục thông quan để xuất khẩu hàng hóa.
Bước 7. Vận chuyển hàng hóa
Doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa theo điều khoản giao hàng (Incoterms) được quy định trong hợp đồng mua bán. Đảm bảo trách nhiệm của các bên được rõ ràng, quy định ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc vận chuyển hàng hóa, chi phí vận chuyển, rủi ro mất mát, hư hỏng hàng hóa,…
Bước 8. Thanh toán và hoàn tất quá trình xuất khẩu
Doanh nghiệp thu tiền từ khách hàng qua các hình thức thanh toán quốc tế.
- Phương thức ghi sổ (Open Account)
- Phương thức chuyển tiền (Remittance)
- Phương thức nhờ thu (Collection)
- Phương thức nhờ tín dụng thanh toán (Letter of Credit – L/C)
- Phương thức thư ủy thác mua hàng (Authority to Purchase).
Một số lưu ý về xuất khẩu hàng hóa
- Xuất khẩu là một hoạt động kinh tế phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp phải có nhiều kiến thức và kinh nghiệm.
- Doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất khẩu của Việt Nam và nước nhập khẩu.
- Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường mục tiêu và có chiến lược xuất khẩu phù hợp.
- Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh và dịch vụ tốt để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức vận chuyển phù hợp theo điều khoản giao hàng.
- Đường bộ: Phù hợp với hàng hóa được vận chuyển giữa các quốc gia có chung đường biên giới, chi phí vận chuyển tương đối rẻ, thời gian vận chuyển nhanh và linh hoạt.
- Đường biển: Phù hợp với vận chuyển hàng hóa số lượng lớn, hàng cồng kềnh, chi phí vận chuyển rẻ nhất nhưng thời gian vận chuyển lâu nhất.
- Đường hàng không: Phù hợp với vận chuyển hàng hóa cần tốc độ nhanh, giá cước vận chuyển cao nhất.
Tóm lại, xuất khẩu là một hoạt động quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập ngoại hối cho quốc gia. Tuy nhiên, để xuất khẩu thành công, doanh nghiệp cần có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và chiến lược phù hợp.