LCL là gì? Tất cả các thông tin cần biết về hàng LCL

Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa lại lựa chọn hình thức vận chuyển LCL? LCL là gì? Cùng DHD Logistics tìm hiểu tất cả các thông tin xoay quanh vận chuyển hàng LCL.

1. LCL là gì?

LCL viết tắt của cụm từ Less than Container Load, là một hình thức vận chuyển hàng hóa dành cho các lô hàng không đủ lớn để lấp đầy một container. Hàng LCL hay còn được gọi là hàng lẻ / hàng consol / hàng ghép.

Đây là giải pháp cho những chủ hàng có khối lượng hàng nhỏ, cho phép họ chia sẻ không gian trong container với các chủ hàng khác, từ đó tiết kiệm chi phí vận chuyển. Các công ty vận chuyển sẽ thu gom, sắp xếp, phân loại và đóng hàng trong một container duy nhất.

Trước đây, từ LCL được viết tắt bởi cụm từ “Less than (railway) Car Load”, được sử dụng trong vận chuyển đường sắt. Thuật ngữ LCL với ý nghĩa là nhiều chủ hàng có số lượng hàng nhỏ, cùng kết hợp với nhau xếp hàng trong cùng một toa xe lửa để vận chuyển.

Hàng lẻ LCL
Hàng LCL là gì trong xuất nhập khẩu

>>> Xem thêm: Phân biệt sự khác nhau giữa LCL và FCL

2. Những hình thức vận chuyển hàng LCL

Có 2 hình thức chính khi vận chuyển hàng LCL là Direct (trực tiếp) và Via (trung chuyển).

2.1. Direct Shipment (trực tiếp)

Đây là hình thức vận chuyển hàng LCL từ cảng xuất đến cảng đích bằng một phương tiện duy nhất, không qua bất kỳ điểm trung chuyển nào. Trong trường hợp này, không có quá trình tháo dỡ hoặc chuyển tải hàng hóa.

Do không phải dừng lại tại các cảng trung gian, giúp rút ngắn thời gian giao hàng. Hàng hóa không phải chuyển qua nhiều lần, giảm nguy cơ hư hỏng. Mặc dù chi phí vận chuyển có thể cao hơn, nhưng không phát sinh thêm chi phí tại các cảng trung gian.

Direct Shipment và Via Shipment
Hàng chuyển tải Via và hàng trực tiếp Direct

2.2. Via Shipment (chuyển tải)

Đây là hình thức vận chuyển hàng LCL khi hàng cần đi qua một hoặc nhiều cảng trung gian rồi mới tới cảng đích. Khi tàu không thuận đường hoặc không đủ lượng hàng để đi thẳng đến cảng đích, hàng sẽ được dỡ xuống một cảng trung gian và sau đó được chuyển sang tàu khác để tiếp tục hành trình.

Cả hai hình thức vận chuyển hàng LCL đều phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện trong hợp đồng ngoại thương. Và mục tiêu cuối cùng vẫn là đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa LCL hiệu quả và đúng hẹn.

Trong vận chuyển hàng LCL, bạn có thể được nghe tới Consolidator. Đây là người gom hàng lẻ hay là công ty đứng ra làm dịch vụ gom hàng. Nhiệm vụ chính của họ là tìm kiếm những đơn hàng lẻ trên các tuyến dịch vụ mà họ cung cấp để đóng ghép container và vận chuyển.

Consolidator sẽ thu gom tập kết hàng tại một kho – gọi là kho CFS (Container Freight Station). Làm thủ tục đóng ghép hàng lẻ vào container và sau đó xếp lên tàu và vận chuyển tới cảng đích.

Các điểm gom hàng CFS đều nằm dưới sự giám sát của hải quan, đảm bảo cho công tác xuất/nhập được thực hiện đúng theo quy định và hỗ trợ xử lý nhanh nhất các thủ tục hải quan.

3. Các chi phí nhập khẩu một lô hàng LCL bằng đường biển

Khi bạn cần nhập khẩu một lô hàng LCL bằng đường biển, trong thông báo hàng đến của công ty logistics bạn sẽ thấy các phí Local Charge cần phải thanh toán bạn sẽ thấy các phí Local Charge cần phải thanh toán để có được lệnh giao hàng.

Nhập khẩu hàng LCL chịu nhiều khoản phí

Dưới đây là các phí Local Charge thường gặp với hàng lẻ LCL:

    1. CFS (Container Freight Station): Phí dịch vụ xử lý hàng hóa diễn ra trong kho CFS (phí khai thác hàng lẻ). Có thể kể đến như phí vận chuyển từ container vào kho, phí bảo quản, phí vận chuyển từ kho ra giao hàng,… Mức phí CFS này giao động từ 15 – 20 USD/CBM, tùy thuộc từng thời điểm, từng công ty logistics, đơn vị gom hàng.
    2. THC (Terminal Handling Charge): Là phụ phí xếp dỡ hàng hóa tại cảng như phí cont ra ngoài cầu tàu, ký khai thác dỡ cont từ trên tàu xuống đất. Mức phí thường giao động từ 5 – 10 USD/CBM cho 1 cả 1 container, lô hàng của bạn chỉ chịu 1 phần.
    3. CIC (Container Imbalance Charge hay Equipment Surcharge): Do hãng tàu thu nhằm mục đích bù đắp chi phí vận chuyển container rỗng, từ nơi thừa container rỗng về nơi thiếu container rỗng để đóng hàng xuất. Phí CIC dao động 60 – 120 USD mỗi cont 20/40 và tùy từng thời điểm.
    4. D/O (Delivery Order): D/O sẽ được các hãng tàu hoặc các đơn vị forwarder phát hành cho người nhập. Phí D/O này dao động 35 – 45 USD/set. Để nhận hàng tại cảng, bạn cần phải thanh toán khoản phí này và xuất trình D/O tại cảng khi tàu đã cập bến.
    5. Handling fee: là một khoản chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển hàng hóa, được quy định bởi các hãng tàu hoặc công ty forwarder. Đây là khoản phí nhằm bù đắp cho các chi phí liên quan đến việc xử lý và chăm sóc lô hàng, như theo dõi, liên lạc, email với Agent nước ngoài… Một số công ty họ sẽ free phí này hoặc thu từ 30 – 35 USD/lô hàng.
    6. LSS (Low Sulphur Surcharge): Phí này nhằm mục đích giảm thiểu lượng khí thải lưu huỳnh từ các phương tiện vận tải, góp phần bảo vệ môi trường. Thường một số hãng tàu sẽ kèm phí này vào cước biển, cũng có một số hãng tàu sẽ đẩy sang phần local charge ở đầu nhập khẩu. Phí LSS được tính cho cả cont, vậy nên lô hàng lẻ của bạn sẽ phải chịu 1 phần.

4. Trách nhiệm của các bên đối với hàng LCL?

4.1. Trách nhiệm người gửi hàng LCL

  • Chuẩn bị hàng hóa, đóng gói cẩn thận theo quy định đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển. Người gửi cần vận chuyển hàng tới điểm tập trung đóng ghép, như kho CFS hoặc kho hàng không kéo dài.
  • Hoàn thiện các thủ tục hải quan, để thông quan cho lô hàng.
  • Cung cấp thông tin chi tiết trên vận đơn B/L cho người gom hàng để làm vận đơn. Bao gồm mô tả hàng hóa, số lượng, trọng lượng, kích thước và các yêu cầu đặc biệt khác.
  • Kiểm tra, xác nhận bill nháp và nhận vận đơn.

4.2. Trách nhiệm người gom hàng LCL

  • Tiếp nhận thông tin hàng hóa từ chủ hàng, trực tiếp làm việc với khách hàng suốt quá trình vận chuyển hàng hóa.
  • Sắp xếp, phân loại và đóng gói hàng hóa vào các container theo yêu cầu.
  • Cung cấp vận đơn cho khách hàng và kê khai manifest lên hệ thống.
  • Thông báo cho khách hàng khi hàng đến và liên hệ với đại lý bên nhận để giao nhận hàng hóa.

4.3. Trách nhiệm của bên vận chuyển hàng LCL

  • Vận chuyển hàng, theo dõi và mang hàng tới điểm đích.
  • Bốc container lên tàu và sắp xếp cont an toàn trước khi tàu nhổ neo.
  • Dỡ container khỏi tàu lên bãi container cảng đích.
  • Khi hàng đến làm D/O và giao container cho người nhận có vận đơn hợp lệ tại bãi container (CY).

4.4. Trách nhiệm người nhận hàng LCL

  • Khi nhận được thông báo hàng đã đến kho của consolidator, chuẩn bị chứng từ để đến đại lý của người gom hàng đổi lệnh.
  • Làm thủ tục hải quan thông quan nhập khẩu lô hàng.
  • Vận chuyển hàng về kho và rút hàng, sau đó trả container về đúng nơi quy định cho hãng tàu hoặc rút hàng ngay tại cảng nếu làm lệnh rút ruột.
  • Hoàn tất các phí local charges, D/O, phí handling charges (nếu người gom hàng thanh toán thì chi trả cho người gom hàng).

Trách nhiệm các bên khi nhập hàng lẻ LCL

5. Quy trình giao nhận hàng lẻ LCL như thế nào?

5.1. Quy trình nhập hàng lẻ LCL

Quy trình nhập hàng lẻ LCL gồm các bước như sau:

Bước 1: Ký kết hợp đồng ngoại thương

Nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu cần ký kết hợp đồng ngoại thương sau khi đã thương lượng và đồng ý về các điều khoản quan trọng như loại hàng hóa, quy cách, giá cả, điều khoản thanh toán, điều kiện Incoterms áp dụng, và ngày giao hàng.

Đảm bảo rằng cả hai bên có sự thống nhất rõ ràng và tránh những tranh chấp trong quá trình thực hiện.

Bước 2: Xin giấy phép nhập khẩu (nếu cần)

Nhà nhập khẩu sẽ tiến hành xin giấy phép nhập khẩu nếu hàng hóa thuộc nhóm cần giấy phép theo quy định của nhà nước. Bỏ qua bước này nếu hàng không thuộc diện yêu cầu giấy phép.

Bước 3: Thanh toán tiền hàng cho nhà xuất khẩu

Sau khi có được đầy đủ giấy phép (nếu cần), nhà nhập khẩu sẽ thanh toán cho nhà xuất khẩu theo điều khoản thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng. Thanh toán có thể là đặt cọc trước một phần hoặc thanh toán toàn bộ tùy theo yêu cầu của hợp đồng.

Bước 4: Xác nhận giao hàng và kiểm tra bộ chứng từ

Nhà xuất khẩu sẽ thu xếp và tiến hành giao hàng theo điều kiện Incoterms và thời gian giao hàng đã cam kết trong hợp đồng. Sau khi giao hàng, nhà xuất khẩu cần chuẩn bị đầy đủ bộ chứng từ xuất khẩu để gửi cho nhà nhập khẩu.

Các điều kiện giao hàng cho vận chuyển hàng lẻ LCL như: Điều kiện EXW, FOB, CFR/ CNF/ C+F/ C&F (Cost and Freight), CIF.

Bước 5: Làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu

Khi hàng hóa đã được vận chuyển đến cảng đích, nhà nhập khẩu cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, chứng từ để tiến hành thủ tục hải quan nhằm thông quan cho lô hàng lẻ LCL. Ở bước này, nếu nhà nhập khẩu không có khả năng tự thực hiện thủ tục hải quan, họ có thể thuê dịch vụ khai báo hải quan để hỗ trợ thông quan nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Bước 6: Vận chuyển hàng hóa về kho

Sau khi thủ tục hải quan hoàn tất và đã nhận được tờ khai hải quan đóng dấu thông quan cùng chữ ký giám sát, nhà nhập khẩu sẽ mang theo phiếu xuất kèm mã vạch đến kho CFS để nhận hàng. Khi đã nhận đủ hàng hóa tại kho CFS, nhà nhập khẩu sẽ tiến hành vận chuyển hàng về kho riêng của mình. Với bước này, quy trình giao nhận hàng lẻ LCL chính thức hoàn tất.

Quy trình xuất nhập khẩu hàng lẻ LCL

5.2. Quy trình xuất hàng lẻ LCL

Quy trình xuất hàng lẻ LCL gồm các bước như sau:

Bước 1: Ký kết hợp đồng ngoại thương

Nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu tiến hành ký kết hợp đồng ngoại thương.

Bước 2: Nhận thanh toán từ nhà nhập khẩu

Nhà xuất khẩu nhận thanh toán từ nhà nhập khẩu theo thỏa thuận trong hợp đồng ngoại thương. Thanh toán có thể là đặt cọc hoặc toàn bộ số tiền tùy thuộc vào điều khoản đã ký kết.

Bước 3: Tiến hành giao hàng và chuẩn bị bộ chứng từ xuất khẩu

Dựa vào điều kiện Incoterms và thời gian giao hàng đã ký, nhà xuất khẩu sẽ sắp xếp giao hàng cho nhà nhập khẩu. Nếu điều kiện Incoterms là CFR, CIF hoặc các điều khoản tương tự, nhà xuất khẩu có trách nhiệm vận chuyển hàng. Để thực hiện giao hàng lẻ LCL, nhà xuất khẩu sẽ thực hiện các bước sau:

  1. Lựa chọn công ty giao nhận dịch vụ gom hàng lẻ LCL (Consolidator/Master Consolidator)
  2. Tiến hành Booking (đặt chỗ): Đặt chỗ với công ty gom hàng lẻ LCL để đảm bảo không gian vận chuyển.
  3. Thuê xe tải vận chuyển nội địa (trucking): Thuê phương tiện vận chuyển hàng từ kho đến điểm gom hàng.
  4. Đóng hàng: Đóng hàng theo yêu cầu hợp đồng ngoại thương đã ký kết.
  5. Làm thủ tục hải quan xuất khẩu: Thực hiện thủ tục hải quan để đảm bảo hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu.
  6. Vận chuyển về kho CFS: Sau khi hoàn tất thủ tục hải quan, vận chuyển lô hàng về kho CFS để giao cho công ty gom hàng lẻ LCL.

Bước 4: Gửi bộ chứng từ xuất khẩu cho nhà nhập khẩu

Sau khi giao hàng, nhà xuất khẩu sẽ chuẩn bị và gửi bộ chứng từ xuất khẩu theo đúng yêu cầu hợp đồng cho nhà nhập khẩu.

Mong rằng, với những chia sẻ trong bài viết trên, DHD Logistics đã giúp bạn hiểu rõ hơn về LCL là gì và các thông tin bổ ích về hình thức vận chuyển này. Nếu bạn đang tìm kiếm đơn vị cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu trọn gói, xin liên hệ DHD Logistics để được hỗ trợ.