Vận đơn đường biển là gì? Tổng hợp những kiến thức về B/L

Trong phương thức vận chuyển bằng đường biển, vận đơn đường biển được xem như là chứng từ xác nhận hợp đồng vận chuyển hàng hóa đường biển của chủ hàng với hãng tàu/FWD. Vậy vận đơn đường biển là gì? Những kiến thức liên quan đến vận đơn đường biển sẽ gồm những gì?

Hãy cùng DHD Logistics tìm hiểu về vận đơn đường biển và những kiến thức liên quan nhé!

Vận đơn đường biển là gì?

Vận đơn đường biển hay còn gọi là Bill of Lading (B/L) được phát hành bởi hãng tàu hoặc FWD được hãng tàu ủy quyền ký và ban hành gửi phát cho chủ hàng xác nhận việc nhận vận chuyển hàng hóa từ cảng đi cho đến cảng đích và cam kết đảm bảo chất lượng, số lượng như biên nhận.

Được quy định ở Điều 2, Điều 148 Bộ Luật hàng hải 2015: “ Vận đơn là chứng từ vận chuyển làm bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng; bằng chứng về sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.”

Vận đơn đường biển là một trong những chứng từ quan trọng trong hồ sơ khai báo hải quan cho việc nhập khẩu hàng hóa. Vận đơn là cơ sở pháp lý biểu hiện quan hệ giữa người nhận hàng và người vận chuyển.

Vận đơn đường biển được phát hành 1 bộ gồm 6 bản, trong đó có 3 bản gốc và 3 bản copy. Trong quá trình giao nhận hàng hóa, thì vận đơn sẽ được sử dụng 1 hoặc 2 bản gốc.

Chức năng của vận đơn đường biển

Vận đơn đường biển có vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Vận đơn đường biển có 3 chức năng chính như sau:

Biên lai hàng hóa

Chức năng cơ bản của vận đơn đường biển là biên lai hàng hóa được hãng tàu/FWD ban hành và ký. Vận đơn được phát hành khi lô hàng được xuất phát tại cảng đi, xác nhận những thông tin cơ bản của lô hàng như số lượng, loại hàng, tính chất,… hay số cont, seal trên tàu.

Những thông tin trong vận đơn được xác nhận giữa người gửi và hãng tàu để làm cơ sở để người nhận có thể nhận được hàng hóa đúng với hiện trạng mà hãng tàu đã nhận từ chủ hàng. Người nhận có thể dùng vận đơn để thực hiện việc nhận hàng hóa từ các hãng tàu.

Bằng chứng của hợp đồng vận chuyển (Contract of Carriage):

Vận đơn được xem như là hợp đồng vận chuyển giữa hãng tàu với chủ hàng (người gửi), nêu rõ nội dung, các điều khoản giữa hai bên, được xác nhận trước khi đưa hàng lên tàu và vận đơn được phát hành (dựa vào VGM và SI mà chủ hàng đã cung cấp cho hãng tàu trước đó). Vận đơn là bằng chứng đầy đủ trong hoạt động vận tải và xác nhận quan hệ trên pháp lý giữa người gửi – hãng tàu và hãng tàu – người nhận.

Chứng từ sở hữu đối với hàng hóa (Document of Title):

Vận đơn còn có chức năng là chứng nhận việc người sở hữu hàng hóa được ghi trên vận đơn. Đây là chức năng quan trọng nhất của vận đơn đường biển trong các hoạt động thương mại quốc tế hiện nay. Chứng từ sở hữu cho phép người sở hữu có quyền sở hữu hàng hóa có thể nhận hàng từ hãng tàu hoặc ủy quyền, chuyển nhượng hay mua bán hàng hóa đó bằng cách chuyển nhượng vận đơn.

Các loại vận đơn đường biển

Vận đơn đường biển sẽ có nhiều loại vận đơn khác nhau, tùy theo đặc điểm hành trình, tình trạng hàng hóa, khả năng chuyển nhượng của vận đơn,… Có thể phân loại thành các loại vận đơn như sau:

Vận đơn theo chủ thể nhận hàng

Vận đơn liên quan đến chủ thể nhận hàng, đi kèm với các chức năng liên quan đến việc sở hữu hàng hóa. Vận đơn theo chủ thể nhận hàng được phân làm các loại vận đơn như sau:

  • Vận đơn đích danh – Straight bills of lading: Trên vận đơn sẽ hiển thị rõ ràng và cụ thể thông tin của bên nhận hàng như tên, địa chỉ, số điện thoại,… và chỉ có đích danh người/ doanh nghiệp này mới được nhận hàng khi xuất trình được vận đơn hợp lệ.
  • Vận đơn theo lệnh – Order bills of lading: Vận đơn này người vận tải sẽ giao hàng theo lệnh của chủ hàng (người gửi hoặc người nhận) được ghi trên vận đơn. Đây là vận đơn phổ biến trong vận chuyển hàng hóa hiện nay.
  • Vận đơn vô danh – Bearer bills of lading: Đây được xem là một loại vận đơn theo lệnh nhưng không cụ thể là lệnh của ai và cho phép giao hàng khi xuất trình được vận đơn. Hay được hiểu là vận đơn theo lệnh có thể chuyển thành vận đơn vô danh bằng ký hậu vào mặt sau mà không ghi rõ giao hàng theo lệnh của ai (Blank indorsement).

Vận đơn theo tình trạng vận đơn

Dựa vào đặc điểm của hàng hóa, có thể phân vận đơn theo tình trạng của hàng hóa như sau;

  • Vận đơn hoàn hảo (Clean B/L): còn được gọi là vận đơn sạch, hàng hóa không có ghi chú về những khuyết điểm hay tình trạng xấu của hàng hóa, bao bì.
  • Vận đơn không hoàn hảo (Unclean B/L): hay vận đơn bẩn là vận đơn được ghi chú về những khuyết điểm của hàng hóa, bao bì như bao bì bị rách, hàng có dấu hiệu ẩm hay bất thường.

Vận đơn theo tình trạng nhận hàng

Dựa vào tình trạng hàng hóa được nhận sẽ phân vận đơn thành các loại sau:

  • Vận đơn đã xếp hàng lên tàu (Shipped on board B/L): vận đơn được phát hành sau khi hàng hóa được xếp lên tàu. Vận đơn này khá phổ biến, vì khi nhận hàng người nhận thường được yêu cầu xuất trình bộ chứng từ để thanh toán thường kèm theo với vận đơn đã xếp hàng lên tàu, là tiêu chí để ngân hàng chấp nhận thanh toán.
  • Vận đơn nhận hàng để xếp (Received for shipment B/L): được phát hành trước khi hàng được xếp lên tàu. Ở vận đơn này, không có tên tàu và ngày xếp hàng lên tàu. Vận đơn có thể được bổ sung chuyển đổi thành vận đơn đã xếp hàng lên tàu bằng cách bổ sung xác nhận tên tàu và ngày thực tế tàu chạy.

Vận đơn theo chủ thể cấp vận đơn

Dựa theo người cấp vận đơn, vận đơn được phân ra thành 2 loại vận đơn sau:

  • Vận đơn chủ (Master Bill of Lading -MBL): đây là vận đơn do chính hãng tàu phát hành cho chủ hàng (người gửi hay người nhận) hoặc là cho FWD để gửi lại cho chủ hàng.
  • Vận đơn nhà (House Bill of Lading – HBL): vận đơn được phát hành bởi công ty giao nhận – FWD phát hành cho người gửi (xuất khẩu) và người nhận (nhập khẩu).

Vận đơn theo cách xuất trình vận đơn

Dựa theo cách người nhận xuất trình vận đơn để nhận hàng, vận đơn được phân ra làm các loại sau:

  • Vận đơn gốc (Original B/L): với vận đơn này, người nhận hàng phải xuất trình vận đơn gốc mới lấy được lệnh giao hàng D/O sau đó mới làm thủ tục nhập khẩu để nhận hàng.
  • Vận đơn giao hàng bằng điện (Telex Release B/L): đối với vận đơn này, người nhận không cần xuất trình vận đơn gốc vì đã có điện giao hàng.
  • Vận đơn đã được xuất trình (Surrendered B/L): vận đơn này sau khi phát hành sẽ được xuất trình cho hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu tại cảng. Người nhận chỉ cần làm thủ tục thanh toán các phí Local charges đầu cảng đích có thể lấy D/O mà không cần nộp bill gốc.

Một số loại vận đơn khác

Bên cạnh đó còn có các loại vận đơn khác như:

  • Seaway bill: đây được xem là Giấy gửi hàng chứ không có chức năng của một B/L.
  • Switch Bill of Lading: vận đơn này có liên quan đến bên thứ 3 hay còn gọi là buôn bán tay 3. Trong đó, người bán và người mua cuối cùng đều thông qua bên trung gian để thực hiện mua bán.
  • Combined of Lading: đây được gọi là vận đơn liên hợp được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển đến điểm đích bằng hai hay nhiều loại phương tiện khác nhau trong đó có chặng đường biển. Vận đơn này thường tương tự như Vận đơn vận tải đa phương thức (Multimodal B/L hay Intermodal B/L).

Mẫu vận đơn đường biển phổ biến hiện nay

Các mẫu vận đơn phổ biến hiện nay, sẽ có các thông tin cơ bản như sau:

  • Tên hãng tàu hoặc FWD.
  • Thông tin chủ hàng thông thường sẽ là người gửi và người nhận.
  • Thông tin về lô hàng như tên hàng hóa, số kiện, tổng trọng lượng, tổng số khối, mã HS Code, số container, số seal,…
  • Thông tin tên tàu và số hiệu tàu.
  • Thông tin về ngày tàu chạy, cảng đi, cảng đến.

Những mẫu vận đơn đường biển của các hãng tàu phổ biến hiện nay

Vận đơn đường biển của hãng MSC
Vận đơn đường biển B/L của hãng MSC
Vận đơn đường biển của hãng tàu Yangming
Vận đơn đường biển B/L của hãng tàu Yangming

Vận đơn đường biển của hãng tàu Maersk

Vận đơn đường biển của SITC

Vận đơn đường biển của EVERGREEN

Những lưu ý khi sử dụng vận đơn đường biển

Khi sử dụng vận đơn đường biển, cần lưu ý những điểm sau:

  • Kiểm tra thật kỹ những thông tin cơ bản của lô hàng trên vận đơn: người gửi, người nhận, những thông  tin về lô hàng, tên tàu, ngày tàu xuất phát,…
  • Kiểm tra giá trị pháp lý của vận đơn: có chữ ký đại diện của hãng tàu hoặc FWD.

Trên đây là những thông tin về vận đơn đường biển chi tiết mà DHD đã cung cấp cho quý khách. Hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích cho khách hàng. Nếu có thắc mắc về vận đơn đường biển hay những thông tin liên quan đến vận đơn đường biển thì hãy liên hệ với chúng tôi.

 

CÔNG TY CỔ PHẦN QUỐC TẾ DHD

Fanpage: DHD Logistics

Hotline: 0973996659

Email: cskh.dhdlogistics@gmail.com

Website: http://dhdlogistics.com/

VP Hà Nội: Số 28 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội

VP HCM: 791/24 Trần Xuân Soạn, Tân Hưng, Quận 7, Hồ Chí Minh.