Bảo hiểm hàng hóa là một công cụ hữu hiệu bảo vệ doanh nghiệp trước những rủi ro không lường trước. Tuy nhiên, để được hưởng quyền lợi một cách tối đa, bạn cần hiểu rõ quy trình yêu cầu bồi thường. Cùng DHD Logistics tìm hiểu ngay thủ tục và quy trình bồi thường hợp đồng bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thủ tục bồi thường bảo hiểm hàng hóa cần những giấy tờ gì?
Để quá trình bồi thường được diễn ra nhanh chóng, bạn cần chuẩn bị bộ hồ sơ sau:
- Thư khiếu nại đòi được bồi thường,
- Bản chính Đơn bảo hiểm và giấy tờ sửa đổi bổ sung (nếu có),
- Bản chính của Vận đơn (Bill Of Lading) và hợp đồng chuyên chở hàng hoá,
- Thư dự kháng/thông báo tổn thất, biên bản giám định,
- Giấy biên nhận của người chuyên chở khi giao hàng,
- Các chứng từ giao nhận hàng của cảng hoặc cơ quan chức năng,
- Công văn, thư từ của các bên người được bảo hiểm với người chuyên chở và các bên khác,
- Hoá đơn/biên lai và các chi phí khác.
Chi tiết quy trình yêu cầu bồi thường bảo hiểm hàng hóa
Quy trình các bước bồi thường bảo hiểm hàng hóa thường bao gồm các bước sau:
Bước 1: Thông báo sự cố
Ngay khi phát hiện hàng hóa bị hư hỏng, mất mát, bạn cần nhanh chóng thông báo ngay cho công ty bảo hiểm. Bạn có thể thông báo qua điện thoại, email hoặc trực tiếp đến văn phòng của công ty bảo hiểm. Trong thông báo, bạn cần cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan như:
- Số hợp đồng bảo hiểm,
- Mô tả chi tiết về sự cố hàng hóa,
- Hình ảnh, video ghi lại hiện trường (nếu có),
- Các chứng từ liên quan như vận đơn, hóa đơn…
Bước 2: Điều tra và xác minh
Đại diện công ty bảo hiểm sẽ:
- Tiếp nhận hồ sơ khiếu nại về bồi thường bảo hiểm từ khách hàng,
- Tiến hành điều tra, xác minh thông tin bạn cung cấp.
Bước 3: Đánh giá và tính mức độ thiệt hại
Công ty bảo hiểm đánh giá mức độ thiệt hại:
- Xác định rõ nguyên nhân gây ra thiệt hại
- Xem xét xem sự cố có nằm trong phạm vi bảo hiểm hay không.
- Đánh giá mức độ thiệt hại thực tế, tính toán số tiền bồi thường cụ thể.
Trong một số trường hợp, công ty bảo hiểm có thể yêu cầu thẩm định độc lập để xác định chính xác giá trị hàng tổn thất.
Bước 4: Thanh toán bồi thường
Sau khi hoàn thành quá trình thẩm định và tính toán bồi thường, công ty bảo hiểm sẽ gửi thông báo xác nhận về số tiền bồi thường.
Người được bảo hiểm cần cung cấp thông tin cần thiết làm thủ tục nhận thanh toán.
Thời gian thanh toán thường được quy định trong hợp đồng bảo hiểm, nhưng trong thực tế, thời gian có thể thay đổi tùy vào mức độ phức tạp của vụ việc.
Cách tính số tiền bồi thường bảo hiểm hàng hóa
Để tính số tiền bồi thường bảo hiểm hàng hóa trong xuất nhập khẩu, công ty bảo hiểm thường dựa trên một số yếu tố:
- Loại hình bảo hiểm: Mỗi loại hình bảo hiểm như toàn phần, một phần, bảo hiểm rủi ro đặc biệt, sẽ có cách tính bồi thường khác nhau.
- Điều khoản hợp đồng: Điều khoản hợp đồng bảo hiểm sẽ quy định rõ các trường hợp được bồi thường, mức bồi thường tối đa và các điều kiện khác.
- Xác định giá trị tổn thất: Giá trị tổn thất có thể là giá trị thị trường của hàng hóa ngay trước khi xảy ra thiệt hại, dựa trên giá trị hóa đơn thương mại, chi phí vận chuyển, và các khoản phí khác có liên quan.
- Áp dụng tỷ lệ khấu hao hoặc miễn thường: Một số hợp đồng có điều khoản khấu hao giá trị của hàng hóa (tính theo % tùy thuộc vào tuổi đời hoặc loại hàng hóa) hoặc khoản miễn thường (mức tổn thất tối thiểu mà người được bảo hiểm phải chịu trước khi bảo hiểm chi trả).
Công thức cơ bản để tính số tiền bồi thường bảo hiểm như sau:
Số tiền bồi thường = Giá trị hàng hóa trước khi bị hư hỏng – Giá trị còn lại của hàng hóa sau khi bị hư hỏng – Tỷ lệ khấu hao nếu có.
Giả sử, bạn có một lô hàng trị giá 50 triệu đồng bị hư hỏng hoàn toàn do tai nạn. Theo hợp đồng bảo hiểm, bạn sẽ được bồi thường 100% giá trị hàng hóa. Như vậy, số tiền bồi thường mà bạn nhận được là 50 triệu đồng.
Hiểu rõ quy trình và thủ tục bồi thường bảo hiểm hàng hóa giúp doanh nghiệp chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Hãy chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết và liên hệ tới công ty bảo hiểm để thực hiện yêu cầu bồi thường.